Những Rạn Nứt Và Lý Do Rạn Nứt Giữa Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương – Ngày thứ hai khóa thường huấn

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Ngày thứ hai của khoá thường huấn được bắt đầu bằng thánh lễ và giờ kinh phụng vụ. Việc cử hành phụng vụ bằng tiếng pháp do một anh em đang thực thi sứ vụ tại pháp chủ tế cách nào đó nói lên sự liên đới và hiệp nhất giữa anh em với nhau trong cùng một hội dòng.

Buổi thuyết trình của cha Lucian được bắt đầu lúc 8h00. Tuy nhiên, trước đó, cha Jean-Claude đã giúp các tham dự viên nhìn lại những điều quan trọng đã được lắng nghe và thảo luận trong ngày thứ nhất. Sự tóm lược này giúp nhau nối kết với những ý tưởng mà cha hướng dẫn sẽ giúp trong ngày hôm nay.

Vẫn là một lối diễn giải chắc chắn và sâu sắc, cha hướng dẫn mời gọi các tham dự viên chiêm ngắm linh ảnh tấm áo của Chúa Giêsu. Ngài nói : “Đức Giêsu – Đấng khởi nguồn từ Thiên Chúa Cha, đã đi xuống với con người. Tấm áo mà Ngài đã để lại là tấm áo trong. Tấm áo ấy vẫn còn nguyên vẹn. Tiếc thay, những người lính Rô-ma đã không xé và chia nhau áo ấy, nhưng chính các Kitô hữu là những người đã xé áo ấy ra thành nhiều mảnh”.

Khởi đi từ ý tưởng này, cha Lucian đã bắt đầu trình bày về sự chia rẽ trong Giáo hội. Ngài đã nhấn mạnh đến ba (trong bốn) lần chia rẽ lớn vào các năm 431, 451 và 1054. Hầu hết trong các cuộc chia rẽ lớn giữa các Kitô hữu này đều chứa đựng các chiều kích thiêng liêng, thần học, văn hoá và chính trị-xã hội.

Cha hướng dẫn đã đưa ra những dẫn chứng về các cuộc tranh cãi liên quan đến cử hành phụng vụ, cách thức cầu nguyện, việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và, kể các các bài hát. Bên cạnh đó, Giáo hội lúc bấy giờ còn có những sự trái người nhau nơi những khái niệm liên quan đến quyền bính trong Giáo hội, các vấn đề về đức tin, ơn cứu độ, các khái niệm về vai trò cũng như bản chất của Giáo Hội. Tất cả những điều đó đã tạo nên sự phân rẽ lớn trong Giáo hội. Ngoài ra, yếu tố văn hoá, đặc biệt là sự bất đồng về ngôn ngữ cũng đã làm cho vết nứt của Giáo hội thêm rộng hơn. Và cuối cùng, sự đối nghịch trong chính trị xã hội, cụ thể là sự khác nhau về quyền bính- một bên hướng quyền bính về các vị vua, bên kia hướng về Đức giám mục thành Rôma, đã tạo nên sự khác biệt đến mức khó có thể đi về một điểm chung.

Cha hướng dẫn kết luận : “Một cách chung, trong mỗi sự chia rẽ, câu trả lời cuối cùng là sự đàn áp, bạo lực, vu khống và phân biệt chủng tộc. Thật đau lòng. Nhưng, một điều chắc chắn là nếu không có những người nam và nữ đã dám đứng lên để tạo ra sự hiệp nhất thì sự bạo lực và những sự xấu ấy sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Vẫn là phong thái của một chuyên viên về giáo phụ và phong trào đại kết, cha Lucian tiếp tục giúp các tham dự viên hiểu rõ từng chi tiết liên quan đến việc ly khai trong Giáo hội bằng những kiến thức lịch sử thú vị.

Các bài diễn giải của ngày thứ hai liên quan đến những rạn nứt và những lý do của việc rạn nứt trong Giáo hội được khép lại bằng việc nhìn về những điểm tương đồng, dị biệt và những sự chống đối nhau giữa Giáo hội Công giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Đông phương.

Một cách tổng quát, cha hướng dẫn nói, dù có nhiều tranh cãi và những nét dị biệt, Giáo hội Công giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Đông phương đều có những điểm chung về các tín điều, việc nhập thể, các bí tích và ơn cứu độ. Cả hai đều có cùng một cội rễ là Kinh Thánh, có cùng di sản về các giáo phụ, cùng nghi thức phụng tự, cùng sùng kính Đức Maria, các thánh, cùng nhìn nhận những giá trị trong đời sống đan tu… Đặc biệt, cả Giáo hội Công giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Đông phương đều xác tín cách mạnh mẽ vào mầu nhiệm Thánh Thể : Bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.

Nhìn lại những điểm tương đồng, dị biệt và cả những sự chống đối, cha hướng dẫn như đang khơi lại trong lòng các tham dự viên niềm yêu mến cho việc sống hiệp nhất và sẵn sàng dấn thân cho phong trào đại kết – vốn là sứ mạng mà Giáo hội đã mời gọi các tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời chúng ta dấn thân cách đặc biệt.

 

Ước mong những cố gắng cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu được Đức Giê-su Ki-tô – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống soi dẫn và đồng hành.

 

Fx. Phan Dương, aa.