Trong những ngày Sài Gòn đang phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục gần 30 năm trở lại đây, người dân đổ xô lên rừng, xuống biển để tìm nơi “hạ nhiệt”, thì cộng đoàn Học viện Fatima – Bình Triệu đã có chuyến tham quan Pháp viện Minh Đăng Quang. Pháp viện tọa lạc tại: 505 Xa lộ Hà Nội, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Cái nóng gay gắt của Sài Thành không làm cho tinh thần học hỏi và đối thoại liên tôn của anh em giảm xuống. Sự kiện này nằm trong chuỗi những đề tài mà ban Tri thức của cộng đoàn đề ra, giúp anh em có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các tôn giáo bạn.
Theo chân cha Bề trên Cộng đoàn và anh em trong ban Tri thức, chúng tôi bắt đầu khởi hành lúc 08h30’. Khi đến nơi, quang cảnh hiện ra trước mắt là một quần thể kiến trúc rộng lớn với nhiều tòa tháp khác nhau. Đón tiếp chúng tôi là Đại đức Thích Minh Sơn với gương mặt vui tươi và nụ cười tỏa sáng đã phần nào giúp anh em không còn thấy khó chịu bởi cái nắng oi bức của Sài Thành.
Tại gian nhà khách Đại đức đã giới thiệu cho chúng tôi biết thêm nhiều thông tin hơn về quá trình hiện diện và phát triển của Pháp viện. Pháp viện được thành lập mang tên Tổ sư Minh Đăng Quang vào năm 1968 bởi Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ Nhất Trưởng Giáo Đoàn IV hệ phái Khất sĩ. Với diện tích lên đến 62.000m2, pháp viện được xây dựng trong khuôn viên nguyên là bãi rác của thành phố Sài Gòn, nay trở thành quần thể kiến trúc đồ sộ và lộng lẫy. Trải qua những thăm trầm và biến động của thời cuộc ngôi Pháp viện Minh Đăng Quang vẫn đứng sừng sững giữa Sài Thành hoa lệ. Khuôn viên Pháp viện gồm tòa chánh điện, được bao bọc bởi bốn bảo tháp cao lớn. Ở phía bên trái là tháp thờ Đức Phật quá khứ và Lịch Đại Tổ Sư, ở phía bên phải là tháp Xá Lợi Phật, còn hai tháp phía sau đón nhận linh cốt của các vị thầy và Phật tử. Ngoài ra, khuôn viên pháp viện còn có các ngôi biệt thất tịnh tu của các vị tăng, thư viện, khu tăng đường và khu vực sinh hoạt của người tu hành.
Sau lời giới thiệu sơ bộ qua mô hình, Đại đức Thích Minh Sơn dẫn chúng tôi thăm quan từng khu vực một. Từ tòa chánh điện, lên khu thiền định rồi đến các bảo tháp. Điểm đến cuối cùng là tòa nhà Hội trường nơi diễn ra những buổi thuyết pháp của các Khất sĩ. Mỗi khu vực mang một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại của kiến trúc Phật giáo. Chúng tôi đi đến đâu là một cảm giác mát dịu và thanh bình đến lạ thường.
Trong buổi chia sẻ đề tài “Quá trình huấn luyện của tu sĩ thuộc hệ phái Khất Sĩ”, Đại đức Thích Minh Sơn khởi đi từ khái niệm “tu”. “Tu” hiểu một cách đơn giản theo lời Đại đức là “sửa mình”. Như cây cần cắt tỉa để sinh hoa trái, thì người tu sinh cũng cần phải được huấn luyện mỗi ngày, từ lời ăn tiếng nói đến tác phong điệu bộ, sao cho phù hợp với một bậc chân tu. Tuy nhiên, khi đi sâu vào quá trình huấn luyện thì người tu sinh cần trải qua ba giai đoạn: “văn – tư – tu”. Trước hết “văn” nghĩa là phải học, học ở đây được hiểu là khả năng thụ hưởng những tri thức của nhân loại. Muốn được vậy người tu sinh cần phải có một “cái đầu” mở ra để dễ dàng đón nhận, bởi một “cái đầu” đóng thì chả nhận được cái gì. Thứ đến là “tư” dùng lý trí để suy tư, phân định, xem xét những lời nào là tốt, lời nào là xấu, lời nào đáng tin cậy; chứ không vội vàng phán xét để rồi đưa ra những thành kiến về người khác. Cuối cùng là “tu”, đây là giai đoạn quan trọng nhất theo lời của Đại đức. Bởi nếu chúng ta có tất cả nhưng tâm của chúng ta không hướng thiện thì mọi thứ đều trở nên trống rỗng và vô ích. Sự tu tập phải là một cảm thức sống động trong từng khoảnh khắc của đời tu sinh. Nếu đã thực sự dấn thân thì làm sao có thể chấp nhận sự tu tập nửa vời, tẻ nhạt và tầm thường? Nếu đã chấp nhận từ bỏ thì sao cứ mãi băn khoăn về cái ăn, cái mặc, về cái được – mất, hơn – thua giữa chông chênh của biển đời. Sau khi chấp nhận buông bỏ “tham – sân – si” người tu sinh sẽ không còn vướng bận bụi trần và bước vào trạng thái “Niết Bàn” – an nhiên tự tại.
Kết thúc buổi thuyết trình, một người anh em đại diện Cộng đoàn nói lên lời cảm ơn đến Pháp viện, cách riêng là Đại đức Thích Minh Sơn. Chúng tôi tặng cho Đại đức cuốn Kinh Thánh trọn bộ với hy vọng Lời Chúa được gieo vãi trên mọi mảnh đất. Khép lại hành trình thăm quan Pháp viện là bữa cơm chay thắm tình huynh đệ. Chúng tôi vừa dùng bữa, vừa trao cho nhau những câu chuyện, những nụ cười trong bầu khí yên bình của Pháp viện.
Rời Pháp viện trong tiết trời oi bức của giữa trưa Sài Thành, anh em chúng tôi phần nào đó cảm nhận “hơi mát” qua buổi thăm quan. “Hơi mát” ấy là khuôn mặt, nụ cười cũng như những chia sẻ của Đại đức; là quần thể kiến trúc lộng lẫy; và hơn nữa là cuộc gặp gỡ đầy tình huynh đệ giữa hai niềm tin tôn giáo. Chúng tôi, những người đang được đào tạo cũng cần được huấn luyện mỗi ngày. Tuy nhiên, lựa chọn đời sống thánh hiến của người Công Giáo không phải là “lẩn tránh” sự đời hay tìm kiếm sự an nhiên tự tại cho bản thân, nhưng là trở nên “muối và men” cho đời. Lựa chọn đời sống thánh hiến cũng không cất đi khỏi người tu sĩ Công Giáo những yếu đuối và mong manh của phận người nhưng qua đó, người tu sĩ được mời gọi họa lại dung mạo của Thầy Giêsu cho con người thời đại. Một Giêsu yêu hết mình và dấn thân phục vụ đến cùng. Một Giêsu trao ban cho nhân loại chính thân thể Người. Một Giêsu hằng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Ban truyền thông A.A.