Ngay từ những buổi học giáo lý đầu đời, chắc hẳn mỗi người chúng ta ai cũng đã được dạy rằng, “vũ trụ và thân xác con người là do Thiên Chúa dựng nên”. Và cứ thế theo thời gian, chúng ta lại càng được đào sâu hơn về giáo lý, nhờ đó chúng ta càng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban.
Đặc biệt hôm nay (05/11/2017), qua bài giảng của cha Tổng quyền, chúng ta lại càng được thấm nhuần hơn nữa về giáo lý của Hội Thánh trong chủ đề “Thân xác để cho sự sống”. Qua chủ đề này, ngài cho chúng ta hiểu hơn về mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người- mối tương quan con người với con người- mối tương quan giữa con người với vũ trụ, cũng như qua sự phục sinh của Đức Kitô chúng ta đươc mời gọi sống đời sống vĩnh hằng với Ngài.
Thật vậy, trở về sau lần gặp gỡ, những tư tưởng được cha Tổng quyền truyền đạt thôi thúc tâm trí nên tôi viết vài suy tư tư từ những gợi ý của cha. Nhìn lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa qua trình thuật của Sáng Thế ký, Thiên Chúa đã tạo dựng nên ánh sáng, tinh tú, trời đất, nước và muôn loài muôn vật bằng quyền năng của Ngài, và Ngài chỉ phán một lời. Nhưng khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng … Vì thế, con người vượt trổi hơn, quý giá và hoàn hảo hơn tất cả các sinh vật khác vì ngoài yếu tố vật chất Thiên Chúa dùng để tạo dựng là đất sét, Ngài còn “thổi hơi”, chúc lành. Hình ảnh đó chính là hình ảnh Thiên Chúa thông ban cho con người đời sống thần linh. Hình ảnh đó thúc đẩy chúng ta xác tín và nhận thức sâu xa phẩm giá cao quý của nhân loại. Từ đó, chúng ta nhận thức được rằng Thiên Chúa là chủ của vũ trụ, vạn vật và của sự sống. Sự sống không tự có nhưng xuất phát từ Thiên Chúa và bởi tình thương của Thiên Chúa. Vì thế chúng ta có bổn phận tôn trọng sự sống của chính mình cũng như của anh em đồng loại và cũng phải biết sử dụng những tạo vật khác mà Thiên Chúa đã tặng ban.
Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế cũng như qua báo chí, các trang mạng xã hội….chúng ta thấy nhan nhãn những tin tức về lối sống tha hóa của con người, đặc biệt đối với giới trẻ. Không ít bạn trẻ đang tự hủy hoại mình bằng các loại ma túy, các chất gây nghiện, thuốc lắc… Đau lòng hơn nữa là chính bản thân họ lại không biết tự nhìn lại bản thân mà lại đổ hết tội cho giáo dục, cho môi trường xã hội hay gia đình. Phải chăng là vì họ chưa nhìn ra được phẩm giá cao quý của mạng sống? Phẩm giá đó là Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài. Chúa còn ban cho chúng ta có linh hồn, có lý trí, ý chí và tự do để tìm kiếm Ngài. Sự sống là món quà quý nhất Chúa dành cho mỗi người. Đánh mất sự tự do để lệ thuộc vào ma túy, đánh mất đi lý trí để không còn biết phân biệt được đâu là đúng-sai, đánh mất đi ý chí để chẳng còn quyết tâm vươn lên là họ đang hủy hoại phẩm giá, đang xúc phạm đến món quà của Thiên Chúa và mạnh mẽ hơn là đang “tự sát”.
Không những vậy, càng ngày chúng ta càng được chứng kiến nhiều cái chết mà nguyên nhân xuất phát từ hận thù, nóng giận, ích kỷ và tha hóa. Họ dễ dàng tước đi mạng sống của đồng loại có khi vì một câu xúc phạm, động chạm đến danh dự; hay có khi vì cần tiền để thỏa mãn cơn “đói thuốc”; hay có khi chỉ bởi vì nóng nãy, bốc đồng.
Những cuộc vui chơi xa đọa, những đam mê xác thịt đã cũng gây nên tội ác còn ghê tởm hơn tội ác chiến tranh được thực hiện công khai hằng ngày và hằng giờ: Phá thai – Đối với một số người thì điều này chẳng hề hấn gì, vì họ không quan tâm, không phải là việc của họ. Nhưng đối với những người có lương tri thì đây là một thao thức lớn. Xấu hổ thay cho một thế giới tiến bộ nhanh chóng về vật chất và tiện nghi nhưng lương tri thì càng ngày càng trở nên giống loài sói dữ. Họ đã giết chết những thân xác bé nhỏ không có khả năng tự vệ. Họ sẽ phải trả lời trước Thiên Chúa về tội ác của mình.
Ngoài ra “chết êm dịu” và thực hiện mong muốn được “chết êm dịu” của người khác đều là hành vi xúc phạm đến sự sống. Vì khi một người đồng ý để được “chết êm dịu” là người đó có chủ đích tự sát, và khi một người làm cho người khác được “chết êm dịu” là người đó phạm tội giết người. Không ít người cho rằng: “chết êm dịu” là một mong muốn hợp pháp. Một số người đang mắc phải bệnh nan y, không còn thuốc để cứu chữa, hằng ngày họ đau khổ trong bệnh tật và mong muốn để được “chết êm dịu” để đặt dấu chấm hết cho đau khổ của bản thân, để bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thoạt đầu, nghe những lập luận như thế ai cũng cho là đúng, hợp lý và nên ủng hộ. Nhưng hãy nhìn vào tận gốc rễ của vấn đề thì bạn mới nhận ra sự xúc phạm đến sự sống, một sự biện minh hết sức vô luân và không có nhân tri.
Những đau khổ trong cuộc sống mỗi người đâu phải chỉ có bệnh tật? Một đôi bạn trẻ đang yêu nhau tha thiết, nhưng chỉ vì hai bên gia đình không đồng ý dẫn đến việc họ phải chia tay. Thử hỏi nếu bạn là một trong hai người đó bạn có đau khổ không? Cái đau về tinh thần đó chẳng khác gì có người cầm dao đâm vào trái tim bạn. Một người đang trên đà phát triển sự nghiệp, chỉ vì một sơ xuất nhỏ dẫn đến bị thất nghiệp, mất kế sinh nhai. Thử hỏi người đó có đau khổ không? Cái đau khổ về danh dự đó chẳng khác gì có người cầm gáo nước lạnh tạt vào mặt bạn. Một gia đình vất vả sớm hôm, cố gắng làm việc nhưng vẫn không thoát được đói nghèo. Gia đình đó có đau khổ không? Cái khổ của họ chẳng khác nào họ bị mọi người bỏ rơi, hất hủi.
Như vậy thì cứ mỗi lần gặp đau khổ là chúng ta tìm đến với cái “chết êm dịu” sao? Nếu mọi người đều có quyền như vậy thì trên thế giới này liệu rằng có ai còn dám can đảm để sống hay không?
Thiên Chúa là chủ của sự sống. Vì thế chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có quyền lấy đi mạng sống. Không một ai khác được phép làm chuyện đó. Qua đây, Chúa muốn dạy chúng ta phải biết tôn trọng sự sống của chính mình và anh em đồng loại, biết cộng tác với Ngài trong việc mưu ích cho phần rỗi linh hồn chúng ta và qua đó mưu ích phần rỗi linh hồn anh em đồng loại.
Mỗi khi nói đến Thiên Chúa, người ta thường nhớ tới Ngài là tình yêu theo như định nghĩa của thánh Gio-an (1Ga 4,8) mà thường quên đi Ngài còn là sự sống (Ga 14,6), là Thiên Chúa hằng sống. Ngài đến kêu mời nhân loại bước vào hưởng sự sống vĩnh cửu.
Tiếng Vọng Con Tim
– Sinh viên Lưu xá B1