Thánh Augustino – Niềm Hy Vọng Không Thất Vọng!

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Từ kinh nghiệm sống, chúng ta phải chân nhận rằng có nhiều điều chúng ta đặt hy vọng nhưng cuối cùng điều nhận được đó là sự thất vọng. Augustinô cũng nhận biết rõ điều đó. Trước lúc hoán cải, ngài đã rất thành công và có một tương lai đầy tươi sáng. Tuy vậy, tâm hồn ngài chưa mãn nguyện. Khi đang ở đỉnh cao thành công của sự nghiệp, ngài cảm thấy sự trống rỗng của hiện hữu dẫn ngài đến bến bờ tuyệt vọng. Chính đức tin vào Đức Kitô đã kéo ngài ra khỏi vực thẳm và mở ra cho ngài một tương lai mới. cùng với thánh Phaolô, Ngài khám phá ra rằng chỉ khi bám chặt vào tình yêu Đức Kitô mà « niềm hy vọng không bị thất vọng » (Rm 5, 5).

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể hiểu được một niềm hy vọng như vậy? Trong Thông điệp “Spe salvi” của mình, Đức thánh cha Biển Đức XVI, dựa vào thánh Augustinô, làm nổi bật niềm hy vọng qua ba đặc điểm. Trước hết, niềm hy vọng này hình như là ẩn kín. Ban đầu, chúng ta chỉ có một sự cảm nhận không rõ nét về nó: hy vọng được cảm nhận trong khi vẫn chưa được nhận biết. Đức Thánh Cha viết (6, 14) khi trích dẫn lá thư 130 của thánh Augustinô gửi cho Propa như sau: “Augustinô thử minh họa một chút thực tại được cảm nhận trong khi điều vẫn chưa được biết rõ điều mà chúng ta tìm kiếm. Sự bắt đầu của việc tìm kiếm được diễn tả cách đơn giản qua một đời sống hạnh phúc.” Chính nhờ ánh sáng Đức Kitô mà việc tìm kiếm được xác định rõ ràng.

Xa hơn, Đức Cha Biển Đức XVI nêu đặc điểm thứ hai dưới hình thức của một ý kiến bác bỏ. Niềm hy vọng Kitô giáo thúc đẩy “chủ nghĩa cứu độ cá nhân”: “niềm hy vọng cho một mình tôi” (6, 28). Như vậy, người ta chỉ muốn hạnh phúc cho chính mình mà không muốn hạnh phúc cho người khác. Ở đây, Đức Thánh Cha dựa vào mẫu gương thánh Augustinô, người đã chống lại cám dỗ sống cuộc đời cô tịch, đã dấn thân phục vụ mọi người trước khi tìm kiếm hạnh phúc cá nhân (Tự Thuật X, 43, 70), một chọn lựa mà ngài minh chứng khi dựa vào lời của thánh Phaolô: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người” (2 Cr 5, 15).

Cuối cùng, trong trích dẫn thứ ba của thánh Augustinô, Biển Đức XVI nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa cầu nguyện và hy vọng. Cầu nguyện được hiểu như “sự tập luyện khao khát” (6, 33), chuẩn bị cầu nguyện không phải để chinh phục hạnh phúc, nhưng để đón nhận hạnh phúc từ Thiên Chúa. Trong chú giải là thư thứ nhất của thánh Gioan Tông đồ (4, 6), Augustinô viết: “Chính Thiên Chúa làm cho tâm hồn chờ đợi và khao khát hơn nữa; trong khi khơi dậy sự khao khát hơn nữa của tâm hồn, Ngài làm tăng khả năng đón nhận của tâm hồn.” Đó là những phương diện khác nhau của niềm hy vọng Kitô giáo được triển khai trong số này của tạp chí Hành Trình Thánh Augustinô. Đối với Augustinô, niềm hy vọng là một động lực thúc đẩy của trái tim được diễn tả bằng sự khao khát hạnh phúc, động lực thúc đẩy không chỉ mang lại cho sự hiện hữu cá nhân, mà còn cho toàn bộ lịch sử. Động lực này chỉ có thể đạt tới mục đích của nó là hạnh phúc viên mãn nhờ ân sủng của Đức Kitô, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Sau cùng, niềm hy vọng chỉ tìm thấy đích đến cuối cùng trong “Giêrusalem vĩnh cửu, nơi dân Chúa trong cuộc lữ hành khao khát tiến về, từ lúc ra đi cho tới khi trở về.” (Tự Thuật IX, 23, 37).

Trích Hành trình thánh Augustinô (44)

 Cha Marcel NEUSCH, AA.

Chuyển ngữ : Phêrô Hồ Sỹ Cẩn AA.