Theo Đường Xưa Cha Đi

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc
ĐGM Robert Wattebled, giáo phận Nimes, trao chén thánh cho tân linh mục Pierre Nguyễn Quang Minh.

Chuyến tàu sáng từ bến bắc Lille d’Europe tới miền đông nam Lục Lăng- Nimes mất chừng 4 giờ 30’. Tàu ngang qua nhiều miền quê hoang vắng, gió thoảng đưa hương cỏ dại đượm mùi nắng. Những cánh đồng Cải Dầu (Colza) trải vàng đầy hoa đang làm nền đón Hạ mới. Nîmes, thành đô phía Nam được biết đến như là phố La-mã với những công trình có niên đại từ thế kỷ thứ nhất. Đấu trường Arrènes chẳng hạn là công trình kiến trúc của người La mã cổ, ngày nay vẫn còn sử dụng làm nơi tổ chức những lễ hội dân gian đặc trưng miền nam nước Pháp.

Nîmes, có thể nói là chiếc nôi sinh thành dòng anh em Augustinô Đức Mẹ Lên Trời. Xuất thân từ gia đình quý tộc ở làng Vigan cách Nîmes không xa, Cha Emmanuel d’Alzon (1810-1880) rời lâu đài quý phái vâng theo tiếng gọi thiên triệu, cha dấn thân cho Triều Đại Nước Thiên Chúa qua những hoạt động thiết thực trong xã hội lúc bấy giờ. Mối quan tâm hàng đầu của cha là tạo nên một nền giáo dục tốt: trường học ngoài việc trang bị kiến thức học đường, tân trang tư duy nhân bản về đạo đức lối sống trong mối liên hệ với con người, trường học còn phải là nôi đào luyện đời sống tâm linh trong mối tương quan với Đấng Tạo Thành. Có như thế con người mới trưởng thành cách toàn diện, sống lành mạnh và trở nên những người có ích trong thời cuộc ngang qua đời mình; họ biết thao thức với những nỗi lo của của người khác, chia sẻ buồn vui với người yếu thân, kém thế; đồng hành cùng người nghèo giúp họ thắp sáng niềm hy vọng trong âu tư và có cuộc sống yên ấm an vui, âu cũng là con đường mà Giáo Hội mời gọi mọi người dấn thân. Bởi đó, ngôi trường trung học mang tên Đức Mẹ Lên Trời – Assomption, trung tâm phố Nîmes được cha Emmanuel chọn làm bước thử nghiệm cho sự nghiệp trồng người. Từ ngôi trường, hội dòng được thành lập vào năm 1845. Nhiều học sinh của trường theo bước chân cha sáng lập trở thành tu sĩ nhà dòng, những người có chung niềm thao thức mở rộng Nước Chúa đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Cây Assomption bén rễ ở Nîmes, nhưng đơm hoa kết trái khắp bốn phương trời. Những nụ hoa ơn gọi của hội dòng chớm nở ở Sài Gòn vào năm 2006. Đến nay, sau hơn mười năm hình thành và tiệm tiến, dòng đã có những trái ngọt trên quê hương đất Việt. Với niềm tín thác “ tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr3,6), những người con tinh thần tiếp tục hành trình trên con đường mà đấng sáng lập đã tiên phong khai lối với ước nguyện làm cho Nước Cha hiển trị- Adveniat Regnum Tuum, qua công tác mục vụ trong những thực tế của giáo hội và xã hội hôm nay: nuôi dưỡng ơn gọi, công tác giáo dục từ những phương diện có thể: truyền thông (đang hình thành), dạy học trong các học viện-dòng tu, hướng dẫn các em trong mái ấm, đồng hành cùng người nghèo.

Tân linh mục cùng với gia đình.

Thầy Minh là một trong những hoa trái đó. Quê phố biển Nha Trang, sau thời gian đèn sách nơi phố thị Sài Gòn ước mơ dâng hiến lớn dần trong thầy. Năm 2006 rời đất mẹ thầy tìm đến cộng đoàn Đức Mẹ Lên Trời ở Moscou. Một năm sau đất Lục Lăng tiếp đón bước chân thầy. Hoàn thành chương trình triết và thần học tại đại học Catho de Lyon, thầy được nhà dòng gửi đến đất mẹ, nơi quê cha sáng lập. Sống với những người anh em thế hệ trước nơi thành đô Rôme cổ, thầy khám phá và yêu mến hơn con đường xưa cha đi: vì sự nghiệp Nước Trời, dấn thân trong xã hội nơi “Thiên Chúa đang bị bách hại trong con người và nơi con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa đang bị bách hại”(RV4-luật sống số 4). Thi thoảng mĩm cười với kiều nữ nhưng tình yêu của thầy không dừng lại trong cuộc đời hai mảnh. Sâu xa hơn thầy nghĩ: tình yêu cần bến rễ nơi Đức Ki-tô như ơn gọi thánh Phao-lô “tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc tôi” (2Cr 5,14). Thầy tâm niệm “biên giới của tình yêu là yêu không biên giới”. Câu nói của thánh Augustinô trở nên như đà tiến của thầy trên con đường yêu thương, vui đời phục vụ trong cộng đoàn, giáo xứ đến cộng đồng rộng lớn nơi nhiều người đang thiếu thốn đời sống tâm linh và nghèo nàn về tình liên đới.

Hôm nay tại nguyện đường thánh Baudile, giám mục Robert Wattebled giáo phận Nimes chủ tế thánh lễ và đặt tay ban truyền thừa tác vụ linh mục cho người anh em. Trong niềm vui thầy Mình đón nhận thiên chức, có sự hiện diện đông đủ gia đình dân Chúa đa sắc tộc.“500 anh em”: linh mục, tu sĩ hội dòng, bạn bè, các nhóm hội đoàn xáo xứ bên nhau dâng lời cảm tạ Chúa vì hồng ân ơn gọi cũng như hiệp lời nguyện để trong sứ vụ mới, tân linh mục luôn đi đúng con đường mà Chúa Giê-su đã đi: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và dâng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Tuổi trẻ, khuôn mặt phúc hậu, tinh thần năng động, và sở hữu nụ cười điềm đạm, hôm này cha Minh hạnh phúc hơn với chiếc áo mới trong thừa tác vụ mục tử. Xin chúc mừng tân linh mục và nguyện Chúa đồng hành, thêm sức thêm lòng để người anh em có tâm hồn thánh thiện và nhiệt huyết trên cánh đồng mục vụ. Qua bàn tay người thợ gặt mới hy vọng nhà dòng cũng như giáo hội có thêm những bông lúa vàng như là của lễ làm đẹp lòng Chúa.

Nhân đây xin chia sẻ với những người không cùng niềm tin công giáo về quá trình đào tạo linh mục trong khuôn khổ giáo hội địa phương tại Việt Nam. Người tín hữu thường gọi linh mục cách thân thiện là người “cha” tinh thần. Một sinh viên sau chương trình đại học, nếu có nguyện vọng trở nên người linh mục, sinh viên ấy bắt đầu bằng những tuần tĩnh tâm giúp suy nghĩ để chọn lựa hướng tu thân. Có hai hướng đi cơ bản hoặc trở nên linh mục triều- phục vụ trong các giáo xứ do địa phận quản lý, hoặc trở nên linh mục dòng- có nhiều hội dòng mục vụ khác nhau theo tinh thần của Đấng sáng lập, hoạt động trên địa bàn rộng lớn hơn. Ở các giáo phận thường có chủng viện, nơi tổ chức những kỳ thi, tuyển chọn thí sinh. Ứng sinh tham dự kỳ thi qua hai đề tài (hoạc ba tùy giáo phận có thêm môn ngoại ngữ): Giáo Lý, Ngữ Văn và một cuộc phỏng vấn với người có trách nhiệm trong vấn đề tuyển cử. Nếu đạt yêu cầu, họ trở thành chủng sinh (sinh viên học ở chủng viện) và theo chương trình đào tạo của chủng viện. Quá trình đạo tạo kiến thức là 7 năm, và một năm sống thực tế giúp các giáo xứ trong các vấn đề mục vụ. Trong các kỳ hè, các chủng sinh thường được gửi đến giúp việc tại các giáo xứ. Ba năm triết học là thời gian hình thành nhận thức cơ bản về thế giới và con người theo nhãn quan mà các nhà hiền triết gọi là học cách sống hay “nghệ thuật sống”. Qua nhiều đề tài đa dạng: triết lý, luân lý, đạo đức, tâm lý, văn hóa, tôn giáo, xã hội…, là cơ hội các tu sinh được tiếp xúc với các bậc tiền bối, những nhà hiền triết từ cổ đại đến hiện đại. Quá trình này hình thành trong họ vốn sống tư duy. Bốn năm thần học tập trung về chiều kích đời sống niềm tin, dùng niềm tin làm giàu kiến thức về Thiên Chúa, về những cảm nghiệm siêu vượt thuộc thế giới tinh thần. Niềm tin bắt đầu là một ân ban nhưng nó phải được lớn lên qua việc trau dồi tri thức, nếu không niềm tin sẽ mù mờ và dẫn đến những thực hành sai lạc. Sau khi hoàn thành chương trình triết và thần học, trong quá trình đào tạo người đồng hành và ban đào tạo nếu xét thấy tu sinh có nhân đức và phẩm chất tốt, họ sẽ được gọi nhận chức phó tế trong một thời gian từ sáu tháng đến một năm, thực tập về công tác trong nghi thức phụng vụ chuẩn bị trở thành linh mục, sau đó thầy phó tế sẽ được truyền chức linh mục bởi giám mục địa phận.

Đó là một quá trình đào tạo bài bản và nghiêm túc. Bởi vậy người linh mục có một sự ảnh hưởng tinh thần đến đời sống những người khác. Chúa Giê-su dùng hình ẩn dụ rất có ý nghĩa về người linh mục: người mục tử nhân lành, người chăn dắt đoàn chiên. Tuy là người phục vụ nhưng họ cũng có quyền hạn để đảm bảo cuộc sống an vui cho cộng đoàn giáo dân nơi mà họ đảm nhận coi sóc. Quyền của các linh mục đi đôi với trách nhiệm, tức là dùng quyền để tạo nên ích chung cho người khác trong đời sống thiêng liêng cũng như những bước tiến trong đời sống hằng ngày. Quyền là để hướng dẫn giáo dân sống đúng niềm tin Ki-tô giáo chứ không lạm quyền để hành người khác, hay dùng quyền như phương tiện trục lợi tiến thân. Chia sẻ điều này với mong ước là những người khác niềm tin không bị dư luận xấu làm sai cách nhìn và cạn nghĩ về người linh mục. Tất nhiên, con người thì không ai hoàn hảo, dẫu trong đấng bậc nào cũng có những yếu điểm nào đó. Nhưng nhờ được đào tạo lâu dài và thường xuyên rèn luyện về nhân đức kết hiệp với đời sống cầu nguyện chuyên cần cùng với ơn Chúa người linh mục sẽ thực hiện sứ vụ của mình có trách nhiệm hơn và hạn chế được những sai phạm.

VoViVu