Vào Sa Mạc Với Thầy Giêsu

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Mùa Chay Thánh bắt đầu với thứ Tư Lễ Tro, cũng là thời điểm Giáo Hội mời gọi các tín hữu lui vào sa mạc, tìm nơi thanh vắng để đời sống nội tâm được nuôi dưỡng trong bầu khí tĩnh lặng. Trong đó, bầu khí thinh lặng của tĩnh tâm, vừa là dịp để ta nhìn lại chính mình, vừa là dịp để ta trở về với Thiên Chúa. Ngõ hầu, chúng ta nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, cũng như kế hoạch mầu nhiệm của Ngài trên cuộc đời của mỗi chúng ta.

Trong tâm tình đó, Cộng đoàn Học viện Emmanuel d’Alzon bước vào kỳ tĩnh tâm Mùa Chay, dưới sự hướng dẫn của Soeur Anna Hồng Thủy qua các đề tài:

Đề tài 1: Đối với anh em, Thầy là ai? (Lc 9,18-26)

Đề tài 2: Canh thức một giờ với Thầy Giêsu (Mt 26,36-46)

Đề tài 3: Đồng bàn với Thầy Giêsu (Lc 22,7-27)

Đề tài 4: Vượt qua với Thầy Giêsu (Mc 1,9-11)

Đề tài 1: Đối với anh em, Thầy là ai?

Dựa trên đoạn Tin Mừng Lc 9,18-26, Soeur giảng phòng gợi lên cho mỗi người kinh nghiệm của các môn đệ về Thầy Giêsu. Các môn đệ khi nghe tiếng gọi đầu tiên đã dám từ bỏ tất cả để bước theo và dong duổi với Thầy trên những nẻo đường sứ vụ tại Galilê. Niềm hy vọng của các môn đệ dường như trở thành hiện thực khi chứng kiến được quyền năng siêu việt của Đức Giêsu qua việc Ngài giảng dạy, chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ, dẹp yên biển cả, tha tội, cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều … Vì thế, trong tương quan mật thiết và cá vị với Đức Giêsu, khi được Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, Phêrô đã nhanh nhẹn đại diện các anh em, lập tức tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa!”.

Nhìn lại hành trình theo Chúa trong ơn gọi thánh hiến, nhiều lúc tôi băn khoăn tự hỏi: tôi đã thực sự xác tín và có câu trả lời dứt khoát trước câu hỏi: “Đối với tôi, Đức Kitô là ai?” hay chưa? Tôi đã dám can đảm đón nhận những thách đố của đời sống để vác thập giá theo Thầy hay chưa? Hay tôi chỉ mạnh mẽ tuyên xưng trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trong lòng lại hoài nghi và dễ dàng vấp ngã khi sóng gió cùng đêm tối đức tin ập tới? Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta có thể trả lời cách hồn nhiên và nhanh nhảu như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, nhưng những lời tuyên xưng này thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời chúng ta hay chưa lại là một chuyện khác. Nó đòi hỏi sự trưởng thành trong đức tin cùng lòng mến chân thành, trung tín đối với Chúa.  

Đề tài 2: Canh thức một giờ với Thầy Giêsu

            Đoạn Tin Mừng Mt 26, 36-46, gợi lên cho chúng ta khung cảnh bước vào vườn dầu cầu nguyện với Thầy Giêsu.

            Đức Giêsu bước vào vườn dầu với ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan trong thân phận của con người với nỗi muộn phiền vì bị phản bội, đau khổ, sợ hãi trước chén đắng sắp phải uống … Ngài đã nói với các môn đệ “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38), nhưng các môn đệ đã không hiểu lời Thầy nói. Các ông vẫn thản nhiên ngủ, mặc cho Thầy đang thao thức, tủi sầu và cô đơn. Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha, Người như bước vào cuộc chiến nội tâm, vật vã và giằng co giữa ý mình với ý Cha. Và, trong phận người yếu đuối, Ngài đã bàng hoàng, xao xuyến trước “giờ đã đến”, nhưng vì vâng theo ý Cha, Ngài đã phó thác linh hồn trong tay Cha với cả ý thức và trách nhiệm: “đã đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi” (Mt 26,45).

            Trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong đời sống dâng hiến, tôi đã, đang và sẽ gặp không ít những thất bại, đau khổ, cùng những trống vắng, cô đơn, tủi sầu… nhưng nếu tôi ý thức, biết đặt những thách đố, khó khăn đó lên cuộc thương khó của Chúa, chắc chắn sức nặng của thập giá đời tôi sẽ được sẻ san, chén đắng sẽ được vơi bớt. Mặt khác, lời mời gọi canh thức, ở lại với Chúa cũng chính là lời nhắc nhở tỉnh thức, đồng cảm với nỗi đau của Thầy ngang qua nỗi đau của những anh chị em đồng loại, những người đang sống cạnh tôi mỗi ngày.

Đề tài 3: Đồng bàn với Thầy Giêsu

            Đoạn Tin Mừng Lc 22, 7-27 gợi lên khung cảnh bữa tiệc cuối cùng của Đức Giêsu và các môn đệ. Bữa tiệc Thánh Thể, bữa tiệc của Tình Yêu, bữa tiệc đem lại nguồn sống cho con người.

            Bữa ăn là nơi gặp gỡ, kết nối, và yêu thương. Trong quá trình rao giảng, Đức Giêsu cùng các môn đệ nhiều lần cùng ăn với nhau: Lc 5,29; Mt 9,10; Mc 2,15, nhờ đó mà “Thầy – trò” hiểu được những tâm tư, ước vọng của nhau. Hôm nay, bữa tiệc cuối cùng, Thầy – trò cùng đồng bàn với nhau, Đức Giêsu đã bộc lộ những nỗi niềm sâu kín nhất của mình với các môn đệ.

Hình ảnh đồng bàn thể hiện chiều sâu là sống với nhau và cho nhau. Chính khi ngồi đồng bàn, Chúa Giêsu đã xem các môn đệ là bạn hữu, là chỗ nghĩa thiết, và đỉnh cao của tình yêu ấy chính là hành động rửa chân mà Ngài đã làm sau bữa ăn. Vì vậy, không chỉ riêng các môn đệ xưa, mà hôm nay đây chúng ta vẫn được mời gọi đồng bàn với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, được mời gọi cúi xuống rửa chân cho nhau trong tình mến huynh đệ và trong sự khiêm nhường sâu thẳm khi ý thức thân phận tội luỵ đời mình.

            Hơn nữa, đồng bàn còn mang chiều kích hiệp thông, hiệp thông trong một niềm tin, và một sứ vụ. Hình ảnh Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ không được nói đến trong Tin Mừng Luca, nhưng Tin Mừng Gioan diễn tả “Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13,5), chính việc làm hết sức tầm thường này của Thầy Giêsu, tự nó đã là một dấu chứng tình yêu và là gương mẫu của tình phục vụ. Qua hành động này, Ngài muốn cho các môn đệ thấy ý nghĩa của sự phục vụ lẫn nhau, chia sẻ với nhau, cộng tác với nhau trong tư cách những người được “thông phần” với Thầy.

            Như xưa Đức Giêsu đã đồng bàn với các môn đệ thế nào, thì hôm nay Ngài cũng đang đồng bàn với chúng ta trong cuộc sống và trong sứ vụ như vậy. Ước gì, mỗi người chúng ta luôn biết nhận ra nỗi thao thức hiệp thông và hiệp nhất của Chúa mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, nhất là nơi bàn tiệc Thánh Thể. Và ước gì, lời mời gọi của Chúa: “anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12) sẽ được chúng ta thực thi mỗi ngày như bảo chứng của tình yêu Thiên Chúa và là cửa ngõ dẫn ta được vào “đồng bàn” nơi bàn tiệc Nước trời.

Đề tài 4: Vượt qua với Thầy Giêsu

            Đoạn Tin Mừng Mc 1,9-11 gợi lên khung cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa tại dòng sông Giođan và chịu cám dỗ trong sa mạc trước khi thi hành sứ vụ công khai.

            Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa đánh dấu một bước ngoặt, đó là lúc Đức Giêsu ý thức trọn vẹn ơn gọi và phẩm giá Con Thiên Chúa của mình và được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần để sai đi cứu độ nhân loại. Sau đó, Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để chịu Satan cám dỗ. Ở đây, Đức Giêsu phải đối diện với những cơn cám dỗ về mọi khía cạnh của cuộc sống con người: thể lý, tâm lý, và tâm linh. Tất cả các nhu cầu ấy được xem là chính đáng vì là quà tặng Chúa ban để con người được sống hạnh phúc. Nhưng ở đây, mục đích cám dỗ của Satan lại là biến con người trở thánh nô lệ cho các nhu cầu thay vì làm chủ nó. Một khi trở thành nô lệ của những thứ ấy, con người tức khắc bị chúng tiêu khiển thay vì biết dùng lý trí và ý chí để điều khiển chúng như một chủ thể tự do.

            Như vậy, chỉ với và trong Đức Giêsu chúng ta mới có thể thắng vượt những cám dỗ những thách đố xảy đến trong cuộc đời chúng ta. Chính Đức Giêsu đã đi bước trước và để lại một mẫu gương cho những ai dõi bước theo Ngài. Hôm nay đây, chúng ta cũng được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa, con cái ánh sáng để bước đi trước thiên nhan Đức Chúa trong miền đất của cõi nhân sinh. Mong sao, trên hành trình chúng ta đang tiến bước, chúng ta sẽ luôn ý thức về sự hiện diện hữu hình của Chúa trong đời ta, để chúng ta can đảm khước từ những cám dỗ hằng lôi kéo và mời mọc chúng ta. Và mong sao, trong câu kinh, lời nguyện mỗi ngày chúng ta luôn biết thân thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”.

Pierre Nguyễn