
Nếu như đối với Kitô hữu, đặc biệt là người Công giáo, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh là thời điểm quan trọng nhất trong Năm Phụng Vụ, thì đối với người Hồi giáo, tháng Ramadan—tháng thứ 9 trong lịch Hồi giáo (Hijri)—được coi là thời gian linh thiêng nhất. Đây không chỉ là tháng chay tịnh mà còn là dịp để người Hồi giáo hướng về đời sống tâm linh, từ bỏ những ham muốn trần tục, thực hành tính kiên nhẫn, kỷ luật, lòng trắc ẩn và tìm kiếm sự gần gũi hơn với Allah.
Nguồn gốc của Ramadan
Người Hồi giáo tin rằng vào tháng Ramadan năm 610 sau Công nguyên, Thiên Chúa đã lần đầu tiên phán với Tiên tri Muhammad. Theo truyền thống Hồi giáo, trong tháng này, Muhammad thường lui về một hang nhỏ ở ngoại ô Makkah có tên là Hira để thiền định và suy ngẫm trong cô tịch. Vào một trong những đêm lẻ trong 10 ngày cuối cùng của tháng, ông nghe thấy một giọng nói yêu cầu ông “đọc” (iqra), và từ đó, các mặc khải của Qur’an bắt đầu. Những câu kinh đầu tiên từ đêm đó được tìm thấy trong chương thứ 96 của Qur’an, gọi là Surah Al-Alaq. Đêm mà các mặc khải bắt đầu được gọi là Laylat al-Qadr (Đêm Định Mệnh), và theo Qur’an, đêm này “tốt hơn một ngàn tháng” (Qur’an 97:3). Vì vậy, trong 10 ngày cuối cùng của tháng Ramadan, người Hồi giáo tích cực tìm kiếm đêm thiêng liêng này, với hy vọng được đắm chìm trong cầu nguyện, suy niệm và thiền định.[1]
Ngữ nghĩa từ “Ramadan”
Từ Ramadan (رمضان) trong tiếng Ả Rập có nguồn gốc từ động từ ramad (رمض), có nghĩa là “sự thiêu đốt” hay “sự nung nấu”. Tên gọi này có thể xuất phát từ hai ý nghĩa chính:
- Ban đầu, tháng Ramadan có thể từng rơi vào mùa hè khi lịch Hồi giáo chưa được chuẩn hóa, và cái nóng oi bức tượng trưng cho sự thử thách và thanh tẩy.
- Ở cấp độ biểu tượng, “sự nung nấu” thể hiện quá trình thanh lọc tâm hồn, đốt cháy những dục vọng và tội lỗi, giúp tín đồ đạt đến sự tinh khiết về tinh thần.
Như vậy, Ramadan không chỉ đơn thuần là việc nhịn ăn uống, mà còn là một hành trình tâm linh sâu sắc, giúp người Hồi giáo rèn luyện đức tin, tính kiên nhẫn và sự khiêm nhường, nhờ đó mà tâm hồn họ trở nên thanh sạch hơn trong mối tương quan với Allah.
Thời gian cử hành tháng Ramadan
Do lịch Hồi giáo dựa trên chu kỳ mặt trăng, tháng Ramadan mỗi năm bắt đầu vào những ngày khác nhau theo lịch Gregory (còn gọi là Tây lịch, Công lịch hay Dương lịch). Dù các nhà thiên văn học có thể dự đoán ngày bắt đầu tháng Ramadan nhưng thời điểm chính xác chỉ được xác nhận khi quan sát thấy trăng non. Điều này cũng áp dụng cho thời điểm kết thúc tháng Ramadan, sau đó người Hồi giáo trên khắp thế giới hân hoan đón mừng lễ hội Eid al-Fitr.
Những thực hành quan trọng trong tháng Ramadan
1. Sawm (Nhịn ăn)
Nhịn ăn (sawm) (từ lúc rạng đông (Fajr) đến hoàng hôn (Maghrib)) là một trong năm trụ cột của Hồi giáo (Shahada – Tuyên xưng Đức tin, Salah – Cầu nguyện, Zakat – Bố thí, Sawm – Nhịn ăn, Hajj – Hành hương). Trong thời gian này, tín đồ kiêng ăn, uống, hút thuốc, quan hệ vợ chồng và tránh những hành vi tiêu cực như tức giận, nói dối hay xúc phạm người khác. Bữa ăn trước bình minh gọi là Suhoor, trong khi bữa ăn phá chay sau hoàng hôn gọi là Iftar.
2. Cầu nguyện (Salat) và đọc Kinh Qur’an
Ngoài năm buổi cầu nguyện hàng ngày, người Hồi giáo còn thực hiện Salat al-Tarawih—chuỗi cầu nguyện đặc biệt vào ban đêm sau Isha (cầu nguyện tối). Nhiều người cũng cố gắng đọc hết Kinh Qur’an trong tháng này, vì họ tin rằng mỗi câu kinh được đọc trong Ramadan sẽ mang lại ân phúc lớn lao cho họ.
3. Từ thiện và lòng nhân ái
Ramadan là dịp để tín đồ thực hành bác ái. Zakat al-Fitr là một khoản từ thiện bắt buộc trước lễ Eid al-Fitr để giúp đỡ người nghèo có điều kiện ăn mừng lễ hội. Ngoài ra, nhiều người còn làm Sadaqah (từ thiện tự nguyện) bằng cách quyên góp tài chính, thực phẩm hoặc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cử hành Ramadan tại Jerusalem – Một trong những nơi cực linh của Hồi giáo
Jerusalem, với Đền Al-Aqsa, là địa điểm linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo, sau Mecca và Medina (đều ở Ả Rập Xê Út). Trong tháng Ramadan, hàng chục nghìn tín đồ hành hương về đây, đặc biệt là tín đồ sống ở Israel, Bờ Tây và các nước lân cận với sự cho phép của chính quyền Israel.
1. Cầu nguyện tại Đền Al-Aqsa
Theo truyền thống, Đền Al-Aqsa là nơi Tiên tri Muhammad thực hiện cuộc hành trình đêm Isra và Mi’raj—từ Mecca đến Jerusalem và lên thiên đàng (trong giấc mơ). Trong tháng Ramadan, hàng ngàn tín đồ tụ họp tại đây để cầu nguyện, đặc biệt là trong 10 ngày cuối cùng, khi người ta tin rằng Laylat al-Qadr có thể xảy ra.
2. Iftar cộng đồng
Mỗi buổi tối, khu vực xung quanh Đền Al-Aqsa tràn ngập không khí ấm cúng của những bữa ăn Iftar cộng đồng. Những món ăn truyền thống như qatayef (bánh chiên nhồi nhân) và kunafa (bánh tráng miệng từ pho mát và bột) được chia sẻ rộng rãi, thể hiện tinh thần gắn kết và lòng hiếu khách của cộng đồng Hồi giáo.
Ramadan – Thời gian của tâm linh, cộng đồng và lòng từ bi
Ramadan không chỉ là tháng chay tịnh mà còn là thời gian để người Hồi giáo:
- Thanh tẩy tâm hồn và củng cố đức tin, kiểm soát bản thân và tịnh hóa tâm linh.
- Tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng, thông qua việc nhịn ăn, cầu nguyện và chia sẻ Iftar.
- Hy vọng và đổi mới tâm linh, khi mỗi tín đồ tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn và xây dựng đời sống đạo đức hơn.
Bất chấp những thách thức lớn, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt tại Jerusalem trong bối cảnh chiến tranh kéo dài ở Gaza, Liban và Syria, làm gia tăng căng thẳng giữa người Hồi giáo và người Israel, hàng ngàn tín đồ Hồi giáo vẫn kiên trì hành hương về thánh địa Al-Aqsa trong tháng Ramadan. Đây không chỉ là một hành động tôn giáo mà còn là biểu tượng của đức tin kiên vững, lòng khao khát tìm kiếm sự gần gũi với Allah và tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Ramadan không chỉ là thời gian cầu nguyện và sám hối mà còn là cơ hội để thể hiện lòng nhân ái, chia sẻ với những người khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh và xung đột vẫn đang diễn ra. Chính trong thử thách, lòng đạo đức và sự kiên trì của con người càng được tôi luyện, khiến việc hành hương đến Al-Aqsa trở thành một chứng tá mạnh mẽ về niềm tin và hy vọng.
[1] Tharik Hussain, 7 Facts About Ramadan—Islam’s Holiest Month, https://www.history.com/news/ramadan-facts-muslims (truy cập ngày 8/3/2025)
Nguồn ảnh: Internet
Ban Truyền Thông AA