Tuần Thánh: Chuyến Hành Hương Nội Tâm (Bài số 1)

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

“La Semaine Sainte est un pèlerinage intérieur, un temps pour suivre le Christ dans sa Passion, sa mort et sa Résurrection.”

Tạm dịch: Tuần Thánh là một chuyến hành hương nội tâm, thời gian để theo Chúa Kitô trong cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Người”

Tuần Thánh không phải là một kỷ niệm thuần túy về lịch sử Cứu Độ, mà là một hành trình thiêng liêng đi sâu vào mầu nhiệm của Đức Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại. Đó là một chuyến hành hương nội tâm, một hành trình thiêng liêng biến đổi tâm hồn, đưa người tín hữu đến với mầu nhiệm Cứu chuộc của Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II đã viết:

“Mùa Chay, và đặc biệt là Tuần Thánh, là thời gian khai tâm vào mầu nhiệm Vượt Qua, được sống không chỉ như một ký ức, mà như một thực tại hiện tại.” – (Sứ điệp Mùa Chay năm 1999).

Trong truyền thống Kitô giáo, hành hương không bao giờ là hành động lưng chừng: nó thay đổi người hành hương. Đó là một “exodus interioris” – một cuộc xuất hành nội tâm .

Như thánh Augustinô nói:

“Bạn không đi đến với Thiên Chúa chỉ bằng đôi chân, nhưng bằng cả con tim.”
(Bài giảng 256, số 3)

Một hành trình theo bước Đức Kitô

Trong suốt Tuần Thánh, chúng ta cùng đi trên hành trình ấy với Chúa Giêsu. Chúa Nhật Lễ Lá, ta cùng Người tiến vào thành Giêrusalem, tung hô vị Vua hiền lành và khiêm nhường cưỡi trên lưng lừa. Nhưng vị Vua này không bước lên ngai vàng, mà vác thập giá tiến lên đồi Sọ. Chính tại đây bắt đầu bài học đầu tiên về con đường Kitô hữu đích thực.

“Thập giá là tòa giảng nơi Đức Kitô dạy bài học về tình yêu.”
(Thánh Tôma Aquinô, Chú giải Tin Mừng Gioan, chương 19)

Đức Thánh Cha Phanxicô từng khẳng định:

“Đức Kitô không cứu độ chúng ta từ xa, nhưng đi phía trước chúng ta, vác thập giá mà chính chúng ta cũng đang vác.” – (Bài giáo lý ngày 5/4/2017)

Vào Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta bước vào khung cảnh thân mật của bữa Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và trao ban Mình và Máu Người, báo trước hiến lễ trọn vẹn sắp được hoàn tất. Đây chính là đỉnh cao của tình yêu khiêm hạ, là sự gần gũi của Thiên Chúa trong phục vụ.

Đức Bênêđictô XVI đã nói:

“Không có con đường nào khác để chiến thắng sự dữ và cái chết ngoài con đường tình yêu.” – (Bài giảng Thứ Năm Tuần Thánh, 2006)

Vượt qua đau khổ, bước vào hy vọng

Thứ Sáu Tuần Thánh đưa ta đến tận đáy của mầu nhiệm đức tin: im lặng, đau khổ, bị bỏ rơi. Nhưng chính nơi đó, Thiên Chúa lên tiếng mạnh mẽ nhất, không bằng lời, mà bằng Thập Giá – dấu chỉ của tình yêu tột đỉnh.

Thánh Lêô Cả từng công bố:

“Thập giá của Đức Kitô là nguồn mạch mọi phúc lành, là nguyên do của mọi ân sủng.”
(Bài giảng số 8 về cuộc Khổ nạn)

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày thinh lặng vĩ đại, của chờ đợi trong trần trụi, của đức tin tinh tuyền. Đó là lời mời gọi chúng ta ở lại trong niềm tín thác, như Đức Maria, không cần dấu chỉ, không cần lời giải đáp.

“Niềm hy vọng Kitô giáo được thanh luyện trong sự thinh lặng của Thứ Bảy Tuần Thánh.”
(Hồng y Ratzinger, “Dẫn vào Kitô giáo”)

Ánh sáng phục sinh – Khởi đầu mới

Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, ngôi mộ trống không còn là dấu chấm hết, nhưng là điểm khởi đầu cho một cuộc sống mới. Hành trình hành hương không kết thúc, nhưng bước sang một sứ vụ mới – sứ vụ loan báo niềm vui Phục Sinh.

Thánh Phaolô kêu gọi:

“Nếu anh em đã được sống lại với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những thực tại trên trời.” (Cl 3,1)

Hành hương là một chuyến đi. Không chỉ là di chuyển về mặt địa lý, mà là một cuộc chuyển mình nội tâm. Chúng ta sống Tuần Thánh này không như những khán giả, mà như những môn đệ đang lên đường, trong một chuyến hành hương nội tâm, khiêm hạ và chân thực. Chính ở đó Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta – trong thực tại đời sống của chúng ta, để ban cho chúng ta Lễ Vượt Qua của Người.

“Vậy chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa với một tâm hồn chân thành và trong sự viên mãn của đức tin.” (Hr 10,22)

André Tuấn, AA