Ý Nghĩa Của Sự Đau Khổ Đối Với Đời Sống Người Kitô Hữu

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Ai trong chúng ta cũng mong muốn được hạnh phúc và tránh đau khổ. Tuy nhiên, cuộc sống con người luôn tồn tại hai mặt đối lập: hạnh phúc và đau khổ. Sinh, lão, bệnh, tử luôn là quy luật tất yếu của con người. Thánh vương David đã từng thốt lên: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ” (Tv 90, 10). Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi những đau khổ, đặc biệt qua cuộc khổ nạn của Người. Trong Mùa Chay Thánh, Giáo Hội mời gọi con cái mình ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái dưới ánh sáng của cuộc thương khó Đức Giêsu. Qua đó, mỗi người được mời gọi xem xét lại mình trong tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và tha nhân.

   

Trong tâm tình đó, cộng đoàn Học viện Đức Mẹ Lên Trời đã cùng nhau “đọc lại” đoạn cuối cuộc đời Chúa Giêsu từ khi bị bắt đến khi chết trên Thập giá qua việc suy ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Với một tâm tình sốt mến, chúng tôi đã cùng nhau chiêm ngắm Đấng Kitô bị đóng đinh, “điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1, 23), còn đối với mỗi Kitô hữu, đặc biệt là những người sống đời thánh hiến “thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1, 18) dùng để cứu dân Người.

Suy ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, anh em cảm nhận những lời sỉ nhục, những đòn roi, vòng gai, những đinh nhọn đâm vào thân xác Đức Giêsu và cả sự cô đơn khi bị bỏ rơi. Đó là lúc mỗi người nhận ra rằng, một cách nào đó, bản thân cũng mang lại những đau khổ, những xúc phạm đến Chúa bằng những suy nghĩ và hành động tội lỗi.  Bên cạnh đó, khi suy ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, mỗi người chiêm nghiệm lại cuộc đời mình với bao đau khổ do những giới hạn của phận người và biết sáp nhập vào sự đau khổ của Chúa. Từ đó, người môn đệ Đức Kitô mới có thể mặc lấy những đau khổ, ưu sầu và lo lắng của con người thời đại.

Khi sống mùa chay, chúng ta không dừng lại ở sự đau khổ, nhưng hướng tới sự phục sinh. Bởi Đức Kitô đã mang lại một giá trị, một ý nghĩa cho sự đau khổ, đó là ơn cứu chuộc. Chính Ngài đã kinh qua những khổ đau để chia sẻ đau khổ của thân phận người và đem đến cho chúng ta niềm hy vọng khi Ngài từ cõi chết sống lại.

Bởi thế, con người hôm nay cần bỏ qua thái độ cầu toàn của một sự đòi hỏi cuộc đời phải là hoàn hảo để chấp nhận những giới hạn của phận người, để đi vào sự đau khổ của Chúa, để cùng phục sinh với Người. Bình an của Kitô giáo không phải là không có biến động mà là khám phá ra thánh ý Chúa trong những đau khổ của bản thân, khám phá ra tình yêu của Chúa trong hành trình đầy sóng gió của đời ta, khám phá ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi những anh, chị, em nghèo khổ, khám phá ra dấu chỉ của thời đại từ những biến cố của thế giới hôm nay.

Jos Hùng, A.A