Niềm Hy Vọng

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Mùa Vọng là khoảng thời gian để mỗi Ki-tô hữu chúng ta hướng về biến cố vô cùng quan trọng: Chúa Giáng Sinh. Đây cũng là giây phút cho mỗi chúng ta chuẩn bị một tâm hồn sốt sắng và xứng hợp để đón chờ Đấng Emmanuel ngự đến.

Trong tâm tình mong chờ Đấng Emmanuel, bắt đầu từ 16h00 chiều ngày 29/11/2020, chúng tôi – Giới trẻ Đức Mẹ Lên Trời đã dành thời gian một ngày để tham gia buổi Tĩnh Tâm Mùa Vọng do Ban Mục vụ Giới Trẻ tổ chức.

Hiện diện đầy đủ tại Học viện Phanxicô (nơi tĩnh tâm), tôi thấy mọi người có vẻ háo hức, nôn nóng và chờ đợi buổi tĩnh tâm này. Tôi thiết nghĩ: “Khi những âu lo, bộn bề, ồn ào của cuộc sống thường ngày đã lấy đi từ chúng tôi những khoảng thinh lặng, những giây phút riêng tư, thì kỳ tĩnh tâm này là thời gian thích hợp và quý báu để chúng tôi nhìn lại, suy nghĩ và chuẩn bị tâm hồn cách sốt sắng mà đón chờ Hài Nhi Giêsu giáng sinh.  Và rồi, không gian tĩnh lặng đã dẫn chúng tôi bước vào thời gian tĩnh tâm. Tôi cảm nhận được một không gian, dường như mọi vật trở nên yên tĩnh, thời gian như chậm lại và mọi người như lắng mình sâu hơn trong giờ phút cầu nguyện Taizé. Có lẽ, đây là giây phút “thinh lặng thiêng liêng”, giây phút của những thổn thức được chia sẻ cách thầm kín. Sau đó, với chủ đề “Niềm hy vọng”, cha Phaolô Ngô Đình Sỹ đã chia sẻ và giúp chúng tôi hiểu: “Tuổi trẻ cần làm gì để có-sống-giữ Niềm hy vọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay”. Đồng thời, cha cũng giải đáp những thắc mắc và giúp chúng tôi thêm can đảm, giữ vững đức tin và lòng yêu mến. 

Có-Sống-Giữ Niềm hy vọng không hoàn toàn dễ. Như Cha Phaolô chia sẻ: phải “Thức tỉnh” (Mt 24,42), “Đừng sợ hãi” (Is 43,1), “Hãy kiên định” (Rm 15,1), và quan trọng là phải biết “Hoán cải” (Lc 19,1-10). Tôi nghĩ, chúng ta biết được những điều đó, nhưng liệu chúng ta có thực hiện được chăng? Thật vậy, cuộc sống chúng ta có nhiều cám dỗ, ước muốn và đam mê, thì làm sao ta có thể buông bỏ và đứng vững trong đức tin?

Cũng dịp tĩnh tâm này, chúng tôi được mời gọi hướng về Niềm Hy Vọng của mọi niềm hy vọng là Đức Giê-su Ki-tô. “Hãy để Đức Ki-tô ngự đến, để Ngài làm điều Ngài muốn, để cho Thần Khí Ngài hoạt động nơi ta, và ta sẽ được biến đổi theo như cách Thiên Chúa muốnĐừng sợ’!” – chia sẻ của Cha Phaolô. Sự chia sẻ này đã điểm thêm cho những khoảng lặng cho những bữa ăn. Trong bữa ăn, chúng tôi cùng chia sẻ những gợi ý và suy tư từ những ý tưởng của cha Phaolô. Thật vậy, nhờ những chia sẻ trong bữa ăn mà tình anh chị em trong đại gia đình của chúng tôi ngày thêm gắn kết, càng hiểu sâu sắc về giá trị của sự hiệp thông và tình huynh đệ. Bữa ăn cũng là sự hiện thực hóa “Niềm hy vọng” của mỗi người chúng tôi với anh chị em chung quanh. 

Một vài khoảng lặng của buổi tĩnh tâm, mặc dù không dài, nhưng tôi nghĩ bao nhiêu là đủ để mỗi người chúng tôi chuẩn bị, đợi chờ và sẵn sàng đón Chúa  Hài Nhi giáng sinh. Ngoài ra, đây cũng là dịp để chúng tôi nhìn lại bản thân, nhìn lại cuộc đời và bước chậm hơn trong một xã hội vội vã, náo nhiệt và bon chen. Thế rồi, thời gian sốt sắng, lắng đọng dành cho chúng tôi cũng đã đầy, đủ và kết thúc.

Với những gì được chia sẻ từ cha Phaolô sẽ là hành trang giúp chúng tôi sống những phút giây đầu tiên của Mùa Vọng, cũng như sống khoảng thời gian suốt Mùa Vọng cách sốt sắng và hăng say hơn. Đối với chúng tôi, kỳ tĩnh tâm này thật quý giá và ý nghĩa. Vì qua kỳ tĩnh tâm quý giá này, tâm hồn chúng tôi được dọn dẹp, được chuẩn bị và được củng cố hơn về đức tin – cậy – mến mà đón chờ Đấng Cứu Thế ngự đến.

Joseph, Phạm Trình, AA.