Tết – Thời Gian Tạ Ơn, Gặp Gỡ Và Hy Vọng

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Khi những tia nắng đầu tiên len lỏi qua cái lạnh mùa đông, khi trang lịch cũ nhường chỗ cho một khởi đầu mới, cũng là lúc các anh chị em tu sĩ Việt Nam trong Gia đình Đức Mẹ Lên Trời tại Châu Âu quy tụ bên nhau trong khóa họp Tết. Năm nay, cuộc gặp gỡ diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 2/3 tại Cộng đoàn Tập viện Saint Lambert des Bois.

Có thể là hình ảnh về 7 người

Cuộc gặp gỡ này không chỉ đơn thuần là một lễ hội, mà còn là một cuộc sum họp mang hai chiều kích quan trọng: huynh đệ và thiêng liêng. Một mặt, đó là cơ hội để những người con xa xứ cùng nhau sẻ chia niềm vui năm mới, xoa dịu nỗi nhớ quê hương. Mặt khác, đây cũng là khoảng thời gian để mỗi người nhìn lại hành trình đã qua, tự vấn bản thân, thăng tiến trong đời sống thiêng liêng và làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và chính bản thân.

Nhìn Lại Quá Khứ Với Lòng Biết Ơn

Cuộc gặp gỡ là cơ hội để các anh chị em cùng nhau ôn lại một năm đã qua, chiêm ngắm những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban trong đời sống cộng đoàn, truyền giáo, mục vụ và học tập.

Năm tháng trôi qua với biết bao niềm vui, thử thách, thành công lẫn vấp ngã. Dù là những khoảnh khắc rực rỡ hay những phút giây gian khó, mỗi trải nghiệm đều góp phần thăng tiến trong hành trình ơn gọi, bồi đắp “tinh thần môn đệ” và giúp mỗi người tiến gần hơn với Thiên Chúa.

Có thể là hình ảnh về 6 người và thiết bị chiếu sáng

Sống Hiện Tại Với Niềm Hăng Say

Cuộc gặp gỡ năm nay trở nên đặc biệt hơn với sự hiện diện của Chị Marie Paulet Khánh. Những chia sẻ của chị đã giúp các anh chị em nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của “Văn hóa Hòa bình” trong một thế giới đa văn hóa, đa thế hệ, đang bị đe dọa bởi những chia rẽ và xung đột. 

Chị ví thế giới của chúng ta như một bức tranh ghép. Nhìn từ xa, ta thấy một tổng thể hài hòa, nhưng khi đến gần, ta nhận ra vô số mảnh ghép với hình dạng, màu sắc khác nhau, thậm chí có cả những vết nứt. Mỗi mảnh ghép ấy tượng trưng cho sự độc đáo, cho bản sắc riêng của từng cá nhân, từng vùng miền, từng dân tộc. Sự đa dạng này có thể trở thành nguyên nhân gây chia rẽ, nhưng đồng thời, nó cũng chính là chất liệu để tạo nên sự phong phú, nếu ta biết tìm ra sự hài hòa và hiệp nhất trong khác biệt, thay vì cố gắng đồng nhất hóa.

Để văn hóa hòa bình có thể triển nở, mỗi người cần biết từ bỏ cái tôi vị kỷ, không lợi dụng văn hóa như một công cụ để biện minh cho những hành động sai trái hay áp đặt lên người khác. Trái lại, ta cần ý thức rằng: “Tôi không phải là bạn, bạn không phải là tôi, nhưng tôi không thể là tôi nếu thiếu bạn.”

Có thể là hình ảnh về 10 người

Chúng ta không tồn tại một cách đơn độc, mà là những cá thể gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau. “Không ai là một hòn đảo.” Và trên hết, vì hòa bình là một món quà từ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng tinh thần hòa bình mỗi ngày, bằng cách đón nhận sự khác biệt thay vì phân biệt, mở lòng thay vì xa lánh.

Chìa khóa để vun đắp văn hóa hòa bình chính là tình yêu thương, với một trái tim phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa:

  • Nhìn bằng ánh mắt của Thiên Chúa,
  • Nghe bằng đôi tai của Thiên Chúa,
  • Và nói bằng lời của Thiên Chúa.

Tiến Tới Tương Lai Với Niềm Hy Vọng

Khi văn hóa hòa bình được gieo mầm trong lòng mỗi người, ta có thể hướng về tương lai với niềm hy vọng vào một thế giới được xây dựng trên nền tảng yêu thương, lắng nghe và sẻ chia, với tâm điểm là Đức Kitô.

Hy vọng không đơn thuần là một sự chờ đợi thụ động, càng không phải một kỳ vọng mang tính con người, vốn dễ dẫn đến thất vọng. Hy vọng đích thực là niềm xác tín vững vàng, được xây dựng trên đức tin – đức tin vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể ban tặng bình an và hạnh phúc trọn vẹn. Như lời Thánh Phaolô: “Niềm hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5).

Có thể là hình ảnh về 1 người

Cuộc gặp gỡ khép lại bằng Thánh lễ Chúa Nhật, với sự hiện diện đông đảo của các anh chị em trong Gia đình Đức Mẹ Lên Trời cùng bạn hữu gần xa. Những dự định, những thao thức và tâm tình của năm mới hòa quyện trong lời kinh, tiếng hát, cùng dâng lên Thiên Chúa – Chúa Của Mùa Xuân.

Dù thời gian bên nhau không dài, nhưng đủ để đong đầy trong lòng mỗi người niềm vui gặp gỡ huynh đệ, và quan trọng hơn, là động lực để bước tiếp trên hành trình dâng hiến.

Jos Nguyễn Văn Tiến