Tâm Tình Mùa Vọng 2023: Tu Sĩ – Chứng Tá Niềm Hy Vọng

Chia sẻ đến mọi người cùng đọc

Mùa vọng khởi đầu cho một Năm phụng vụ mới. Người Kitô hữu mặc lấy tâm tình của dân Chúa xưa chờ mong Chúa đến. Giáo Hội mời gọi các tín hữu chuẩn bị mừng kính Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất trong sự khiêm hạ của thân phận con người; đồng thời hướng lòng trông đợi Chúa Ki-tô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vì thế, đây là thời gian hữu ích, để các tín hữu dành cho Chúa và dành cho nhau những khoảng lặng giữa những “xô bồ” của cuộc sống phố thị, và chuẩn bị cho Chúa những “máng cỏ” tâm hồn xứng đáng. Trong tâm tình đó, các tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời cùng nhau tìm về nơi cô tịch để dọn mình và ngẫm lại căn tính đời sống tu sĩ của mình.

Với chủ đề: “Tu sĩ – Chứng tá niềm hy vọng”, cha Giuse Đỗ Đình Tư (C.Ss.R) đã đan xen ba khuôn mặt mà Giáo Hội thường nhắc đến trong mùa Vọng: Isaia, Gioan Tẩy Giả, và Đức Maria. Mỗi khuôn mặt là một mẫu gương sống chiều kích hy vọng cho người tu sĩ, phản chiếu ánh sáng ba lời khuyên phúc âm: khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh.

Niềm hy vọng của tiên tri Isaia là nơi Thiên Chúa duy nhất, dành trọn tình yêu cho Ngài, bởi chính Thiên Chúa là Đấng đã tác tạo muôn loài, và nhào nắn nên con người từ bùn đất: “Lạy Ðức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (Is 64, 7). Tuy nhiên, ngày nay, Thiên Chúa dường như bị đẩy ra khỏi trung tâm của cuộc sống con người, thay vào đó là những ngẫu tượng về tiền tài, địa vị, danh vọng và những ham muốn thể xác… Nguy hiểm hơn là chủ thuyết “Ái kỷ” – Cái tôi trung tâm, yêu bản thân mình quá mức để rồi đánh mất mối tương quan với tha nhân, với Thiên Chúa và vạn vật. Người tu sĩ được mời gọi sống khiết tịnh trong sự trung tín với một mình Thiên Chúa, chứ không chạy theo những “mối tình trần thế”. Niềm hy vọng của người tu sĩ là sự can đảm tiến bước chứ không phải an toàn trong sự thoả mãn bản thân.

Gioan Tẩy Giả đại diện cho một mẫu gương sống đức khó nghèo, và một lối sống khiêm hạ đến triệt để. Ngài chọn cho mình một cuộc sống khắc khổ trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Sự khổ hạnh chuẩn bị cho một sứ mạng mới :“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”(Mt 1, 3) Hơn nữa, Gioan là người biết rõ mình, biết mình là ai, vai trò, sứ vụ và căn tính của mình là gì? Ngài chỉ dám nhận mình là “tiếng hô”, là người dọn đường cho Thiên Chúa đến. Ngài không phải là ánh sáng, nhưng là người dọn lối để cho ánh sáng Chúa Kitô được nổi bật. “Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3, 30). Giữa một thế giới mà vật chất được tôn thờ và được xem là thước đo giá trị của con người, người tu sĩ được mời gọi sống khiêm hạ, khó nghèo, để biết giới hạn của bản thân và từ đó xác tín rằng chỉ Thiên Chúa là “Đấng Giàu Có” duy nhất.  

Cuối cùng, Đức Maria, chứng tá của niềm hy vọng và là mẫu gương của sự vâng phục. Tiếng xin vâng của Mẹ là giai âm trong trẻo được cất lên trong đêm trường u ám của nhân loại. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38) Khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc mà cả Triều Thần Thiên Quốc đón chờ, khoảnh khắc mà cả nhân loại hy vọng. Dường như cả vũ trũ đang phải lặng im, phải ngừng thở để cho lời “xin vâng” của mẹ được cất lên. Sự vâng phục của Mẹ không đơn thuần là cái gật đầu cho xong, nhưng là một sự tín thác triệt để, một niềm hy vọng chắc chắn vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mặc cho phía trước còn nhiều chông gai, nhiều rào cản mà Mẹ phải đối diện, nhưng để thánh ý của Chúa được thực thi, Mẹ sẵn sàng đáp trả “xin vâng”. Con người ngày nay dường như đang quá đề cao chủ nghĩa tự do, thích làm gì họ muốn và chẳng muốn lệ thuộc vào ai, để rồi thiếu đi sự lắng nghe, chia sẻ và đón nhận nhau. Noi gương Đức Maria, người tu sĩ được mời gọi từ bỏ ý riêng, để tìm thánh ý Chúa ngang qua bề trên và các anh chị em mình. Người tu sĩ phải chấp nhận lội ngược dòng đời, để trở nên chứng tá cho niềm hy vọng, khi mà thế giới dường như thất vọng.

Tĩnh tâm là khoảng thời gian giúp người tu sĩ bình tâm lại, lui vào trong cô tịch để đọc ra dấu chỉ của thời đại, hầu trở nên chứng tá niềm hy vọng cho thế giới hôm nay. Tĩnh tâm không đóng khung người tu sĩ trong sự tĩnh lặng, an toàn để rồi ngủ mê mà quên mất sứ vụ đời mình, nhưng bước ra với thế giới bằng sự nhiệt huyết tông đồ. Tĩnh tâm mở ra một sứ vụ mới, một ước mơ mới, ước mơ biến đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Tĩnh tâm mời gọi tu sĩ dấn thân hơn nữa cho Triều Đại Thiên Chúa được hiển trị. Ước mong rằng, sau mỗi kỳ tĩnh tâm người tu sĩ chấn chỉnh lại tư trang của đời mình, kiểm điểm lại bản thân, gọt tỉa bớt những thứ không cần thiết, cản trở sự thăng tiến trong đàng nhân đức; người tu sĩ sẽ nên thánh mỗi ngày trong bổn phận của mình.

                                                                                Kê-pha A.A