
Hôm nay, các Kitô hữu cùng quy tụ tại Nhà thờ Công Giáo Hy Lạp Truyền Tin (Greek Catholic Church of the Annunciation) để khép lại Tuần Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo. Đây là khoảnh khắc ý nghĩa, khi các Kitô hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau cùng hướng về Chúa Kitô – nguồn mạch duy nhất của sự hiệp nhất. Nhà thờ Công giáo Hy Lạp, tuy thuộc các Giáo hội Công giáo Đông phương và hiệp thông trọn vẹn với Roma, nhưng vẫn bảo tồn phụng vụ Byzantine và linh đạo Đông phương, là một dấu chỉ sống động về sự hòa giải giữa Đông và Tây.
Lịch sử Hội Thánh đã chứng kiến những vết thương chia rẽ đau lòng: từ cuộc ly khai sau Công đồng Êphêsô (431), Công đồng Calxêđônia (451), sự phân rẽ Đông – Tây (1054), cho đến các cuộc Cải cách Tin Lành (1517). Mỗi cuộc phân ly không chỉ là một biến cố lịch sử, mà còn để lại những rạn nứt trong thân mình Hội Thánh. Nhưng chính trong đau thương ấy, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hướng đến sự hòa giải xuất phát từ chính lời tuyên xưng đức tin, để từ những chia cắt, chúng ta lại tìm về trong vòng tay hiệp thông trong Đức Kitô.
Quả vậy, phong trào đại kết không chỉ đơn thuần là một nỗ lực nhân loại, nhưng trước hết là công trình của Chúa Thánh Thần. Khởi đi từ các phong trào Tin Lành vào thế kỷ XIX, rồi lan rộng qua Hội nghị Truyền giáo Thế giới ở Edinburgh năm 1910, đại kết dần được thúc đẩy mạnh mẽ với sự ra đời của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Thế giới (WCC) năm 1948. Đặc biệt, Công đồng Vatican II với Sắc Lệnh Về Đại Kết (Unitatis Redintegratio) đã đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo đối với sứ mạng hiệp nhất Kitô hữu, bởi “sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đi ngược lại ý muốn của Đức Kitô” và làm tổn thương chứng tá của Hội Thánh giữa lòng thế giới.
Sự hòa giải đích thực không chỉ là một cuộc đối thoại thần học, mà còn là một hành trình hoán cải nội tâm, bắt đầu từ việc mỗi người hòa giải với Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta cùng nhau tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi trở nên một trong Ngài. Đó là lý do tại sao đại kết không chỉ đơn giản là một sự “trở về” bên này hay bên kia, nhưng là hành trình cùng nhau hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn trong cùng một Đức tin, cùng một Bí tích Thánh Thể, và cùng một Thân Thể Đức Kitô.
Dòng Đức Mẹ Lên Trời, với sứ mạng đặc biệt tại Đông Phương và Giêrusalem, đã luôn mang trong mình đặc sủng đại kết, nỗ lực xây dựng nhịp cầu giữa các truyền thống Kitô giáo. Tại mảnh đất nơi Chúa Giêsu đã Sinh Ra, đã Sống, Chịu Chết và Phục Sinh, những dấu vết chia rẽ vẫn còn đó, nhưng cũng chính nơi này, chúng ta tìm thấy hy vọng của sự hòa giải.
Lạy Chúa, ngày hôm nay, chúng con cùng quy tụ nơi đây để tôn vinh Ngài và cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Xin cho Giáo hội, dù mang những vết thương lịch sử, luôn khao khát chữa lành và tìm lại sự duy nhất trong tình yêu của Đức Kitô. Xin cho chúng con học nơi Mẹ Maria tinh thần vâng phục và tín thác, để biết đặt trọn niềm hy vọng vào kế hoạch cứu độ của Chúa.
Lạy Đức Kitô, Đấng hiệp nhất mọi sự chia rẽ, xin cho tất cả những ai tin vào Ngài biết vượt qua những rào cản của định kiến, lịch sử và truyền thống để cùng nhau tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong một Hội Thánh: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Amen.
Truyền thông AA,